Những cách “hạ nhiệt” khi tranh cãi với trẻ, Trẻ con không phải lúc nào cũng tỏ ra nghe lời chúng ta, chúng trở nên cáu kỉnh, khó chịu và mất kiểm soát hành vi của mình. Lúc này, nhiều ông bố bà mẹ chọn giải pháp la mắng, đánh đập trẻ, khiến bé khóc um sùm và tỏ ra bướng bỉnh hơn. Chính vì thế, bạn cần có tuyệt chiêu hay hơn giải pháp vừa rồi.

Cùng chơi trò giữ im lặng
Đa số các bé đều thích thú khi được chơi trò chơi. Vì thế, nếu có tranh cãi xảy ra, đến đoạn cao trào, bạn hãy cùng bé chơi trò: Giữ im lặng. Theo đó, nếu ai mở miệng ra trước, người đó thua cuộc. Đừng quên treo giải cho người thắng nữa nhé!
Như vậy, bé sẽ hào hứng tham gia trò chơi và quên béng cuộc tranh cãi vừa xảy ra cùng ba mẹ liền!
Làm mặt hề
Nghe có vẻ ngốc nghếch nhưng các bé luôn dễ xiêu lòng trước những hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Vì thế, khi thấy con nóng giận, ba mẹ có thể thực hiện ngay vài khuôn mặt hề với những biểu cảm dễ thương sẽ khiến bé điều chỉnh lại cảm xúc ngay tức khắc, rất có lợi cho việc duy trì tình cảm giữa bố mẹ và trẻ.
Nhảy theo nhạc
Khi mẹ cảm thấy không thể giữ được bình tĩnh trước những hành động hỗn hào của con, hãy mở bài nhạc mà mẹ thích và lắc lư. Bạn sẽ không thể nào vừa nhảy vừa nổi giận đúng không?
Ngoài ra, theo nghiên cứu khoa học, khi bạn vận động cơ thể thường xuyên sẽ tiết ra hormone endorphin, giúp giải tỏa căng thẳng và cải thiện tâm trạng rất tốt.
Ngưng hét và hát lên
Có lẽ bạn đã từng nghe ai đó khuyên rằng mỗi khi tức giận, hãy hét thật to để xả hết ra. Tuy nhiên, bạn không thể làm điều đó trước mặt con được, đúng không?!
Vậy thì hãy hát thay cho hét nhé! Chỉ cần mở karaoke lên và chọn một ca khúc có âm vực cao, bạn sẽ phải cố hết sức để hát theo. Sau đó, tâm trạng của bạn sẽ nhẹ nhàng đi và bạn cũng không còn hơi sức đâu để la mắng ai nữa.
Nhái giọng của trẻ
Nếu bạn có đứa con hay nhõng nhẽo hoặc mè nheo, thì việc đánh mắng con sẽ không mang lại tác dụng gì, thậm chí còn làm cho bé tăng mức độ gây rối lên. Vì vậy, thay vì dùng bạo lực, hãy nhại lại giọng của bé để chọc cười bé nhé!
Bé sẽ mải mê quan sát bạn mà quên mất mục đích nhõng nhẽo của mình. Lúc này, bạn có thể chuyển hướng bé sang một hoạt động khác.
Những xung đột trong gia đình sẽ luôn xảy ra, vì mỗi người đều có quan điểm riêng, cả bé cũng thế. Chính vì thế, để giữ được hóa khí trong nhà và mang đến tiếng cười cho con trẻ là điều mà các bậc phụ huynh luôn chú ý và học hỏi. Mong rằng những thông tin hữu ích vừa rồi đã phần nào giúp bạn “hạ nhiệt” khi xảy ra mâu thuẫn với trẻ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào xin bạn vui lòng liên hệ về cho Worldkids theo số hotline để được tư vấn nhé!