“Nó còn nhỏ có biết gì đâu”: Lỗi lầm thuộc về ai khi trẻ nổi loạn, Mỗi khi con của mình mắc lỗi, rất nhiều người mẹ nói rằng “Cháu nó còn nhỏ có biết gì đâu” với người bị con mình quấy phá, làm phiền. Đây chính là câu bênh quen thuộc mà đến hiện tại làm rất nhiều người khó chịu và bất mãn bởi cách giáo dục này.
Trẻ con thì không biết gì?
Không biết từ khi nào mà người lớn bắt lỗi mỗi khi trẻ em làm sai thì lại bị bảo là “chấp nhặt”. Câu chuyện về hành động vô ý của trẻ con và phản ứng của người lớn luôn là câu chuyện gây tranh cãi, giữa việc trẻ em thì cần được giáo dục đúng mực; trẻ con không phải người lớn thu nhỏ nên không thể hiểu hết mọi việc và chúng ta cần phải bao dung hơn với vai trò là người lớn.
Tuy nhiên, ở nơi công cộng chúng ta vẫn thường bắt gặp những hình ảnh trẻ em hiếu động, tinh nghịch người khác mặc dù là không quen biết, la hét ồn ào, ngược đãi thú cưng,… và dĩ nhiên có rất nhiều phụ huynh vẫn thản nhiên hoặc chỉ nhắc “lơi” rằng đừng làm thế nữa. Sự thờ ơ của phụ huynh và người lớn khiến con trẻ nghĩ rằng mình làm như thế là không ảnh hưởng đến ai, không tổn hại hay gây ra hậu quả gì. Những đứa trẻ ấy được che chở một cách mù quáng bằng việc người lớn hay những đứa trẻ lớn hơn phải nhường nhịn, không được thô lỗ hay la mắng em, mặc kệ đối phương cảm thấy như thế nào.
“Cháu nó còn nhỏ mà”, “Nó có biết gì đâu” hay nặng lời hơn thế là “không có con nên không biết thông cảm”, “sao lớn mà ích kỉ thế?” chính là những câu nói phổ biến mỗi khi trẻ nhỏ tinh nghịch để lại “một bãi chiến trường” và bị người khác phàn nàn. Họ bị kết tội bởi các lời nói “tấn công”, không ít người cảm thấy khó chịu và dần không còn thích trẻ em nữa. Thậm chí có người thà sống độc thân cả đời chứ không đồng ý sự xuất hiện của những đứa trẻ. Mặc dù các con là những thiên thần nhỏ của ba mẹ, luôn là mối ưu tiên hàng đầu và phải dạy dỗ thật tốt để các con nên người, nhưng có thật là trẻ em không biết gì không?
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy trẻ em rất thông minh, lém lỉnh đặc biệt là cảm xúc và hành động đều do quan sát và lặp lại từ môi trường xung quanh, chính vì vậy trẻ em rất dễ dàng tiếp thu những điều được dạy khi bản thân chưa có định kiến hay quan điểm vững chắc. Trẻ em chưa thể biết được chất hóa học này sẽ kết hợp với nhau ra sao, đồ thị cos sin là gì nhưng chắc chắn chúng có thể nhận biết một cách rõ ràng về cảm xúc của người khác. Ví dụ như ba mẹ sẽ phản ứng như thế nào về việc mình làm như thế, nét mặt của ba mẹ như thế nào sau đó trẻ sẽ quyết định cách hành xử phù hợp với cảm xúc ấy.
Từng có một câu chuyện khá được chú ý, câu chuyện kể về 2 cậu bé chỉ mới 5 tuổi. Khi được mẹ mua cho chiếc máy bay, cậu bé muốn được mẹ mua thêm cây súng nhưng mẹ không đồng ý nên cậu ấy đã “ăn vạ” trên sàn nhà siêu thị đến khi mẹ chịu mua mới thôi. Còn cậu bé kia cũng đòi hỏi mẹ như thế nhưng khi nằm xuống sàn ăn vạ mẹ cậu bé đã quay lưng đi ra khỏi cửa hàng, thấy thế cậu bé liền lau nước mắt đứng dậy chạy theo mẹ vì sợ mẹ đi mất.
Từ thái độ của người mẹ có thể cho thấy, cậu bé thứ nhất hiểu rằng mẹ làm thế vì không muốn mất mặt nơi đông người và thế là cậu bé có được món đồ mình thích, còn cậu bé thứ hai được dạy rằng ăn vạ chẳng giải quyết được gì. Qua đó hai cậu bé trên có cách hành xử và thái độ khác nhau.

Đừng để bé tự cho mình quyền “không biết gì”
Trẻ em chưa nhận thức rõ được hành động mình có sai hay không và sai ở đâu nên câu nói “trẻ con không biết gì” vốn không sai. Với trẻ, những hành động chơi đùa, khóc lóc, cười nói chỉ là đang thể hiện cảm xúc của riêng mình và muốn được ba mẹ chú ý, không đứa trẻ nào biết mình sai ở đâu chính vì vậy nên chúng mới cần được dạy dỗ để không còn là “không biết gì”.
Thế nhưng bạn đừng nên nhầm lẫn giữa việc bao che, không uốn nắn những khi con hư, cười trừ cho qua là giáo dục. Vì những điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, các con sẽ không biết mình nên làm thế nào cho đúng, phải ứng xử như thế nào khi gặp người lạ, thoải mái la hét chốn đông người rồi làm bất cứ gì vì trẻ biết sẽ có người lớn bảo vệ.

Yêu con là đúng nhưng bênh con dù con mắc lỗi thì đó là hại con, nếu con làm tổn thương hoặc tấn công những người xung quanh mà ba mẹ vẫn bắt mọi người “thông cảm”, dần dà sẽ tạo nên những tính xấu khó bỏ từ nhỏ, thay vì vậy ba mẹ hãy dạy bé cách tự nhận lỗi và sửa sai, đương nhiên ba mẹ cũng phải yêu thương và bao dung cho con đúng cách nhé.
Ở những nơi đông người, trẻ biết phân biệt đúng và sai sẽ không bị coi là trẻ hư và bị ghét, từ đó bé sẽ trở nên có ý thức nơi công cộng và biết tôn trọng người khác. Nếu ba mẹ coi những sai lầm ấy là đương nhiên, cho phép các con làm thế và ỷ lại vào ba mẹ thì hậu quả có thể dẫn đến việc bé làm việc xấu đến đâu vẫn nghĩ có ba mẹ bảo vệ và tệ hơn nữa là các con rồi sẽ trở thành thế hệ cha mẹ kế tiếp và sẽ lặp lại sai lầm tương tự.
Ví dụ như câu chuyện về chú chuột hamster bị chết, đây là một câu chuyện gây tranh cãi bởi bài đăng của một cô gái trẻ. Cậu bé hàng xóm đã nhiều lần lẻn vào nhà và ngược đãi hamster của cô gái cho vui, mỗi lần phát hiện cô gái đều phàn nàn và nhận lại câu nói của người mẹ là: “Nó là trẻ con, nó có biết gì đâu”. Đỉnh điểm là một lần cậu bé ném con chuột hamster xuống dưới lầu và làm chú chuột chết. Cô gái đã rất tức giận và tát cậu bé một cái, người mẹ rất giận và ẩu đả với cô gái. Trong trường hợp ấy người mẹ vẫn một mực bênh vực: “Nó có biết gì đâu, có con chuột làm thấy ghê, tao đền mày 200 ngàn là được chứ gì”.

Câu chuyện trên cho thấy nếu người mẹ bình tĩnh và nhận ra con mình đã tương tác sai cách với chú chuột, đối với người mẹ đó chỉ là chú chuột không đáng tiền nhưng với cô gái đó là “một đứa con” khác loài. Thay vì đòi hỏi người khác phải thông cảm một cách phi lý thì ba mẹ cũng nên nhìn thẳng vào vấn đề và giúp con nhận ra mình có lỗi.
Chính vì vậy ba mẹ không nên lơ là các con và hãy dạy con biết tôn trọng cảm nhận của người khác, bởi chỉ cần rời mắt một chút các bé có thể sẽ gây ra những điều bạn không ngờ tới.