NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ Ở NHÀ THÌ HỐNG HÁCH NHƯNG RA ĐƯỜNG THÌ NHÚT NHÁT, Nhiều phụ huynh than phiền rằng bé ở nhà thì hống hách, không sợ ai, dễ nổi cáu với bất cứ ai làm trái ý mình, nhưng khi ra ngoài thì sợ sệt, dễ bị bạn bè bắt nạt, yếu đuối. Vậy nguyên do nào khiến tính cách của trẻ thành ra như vậy?

Những nguyên nhân khiến trẻ ở nhà thì hống hách nhưng ra đường thì nhút nhát
Cha mẹ bạo lực trong nhà
Gia đình chính là ngôi trường đầu tiên của bé. Mọi hành động của ba mẹ đều được bé ghi nhớ và thực hiện giống hệt. Nếu ba mẹ chỉ dịu dàng, lịch sự với người ngoài nhưng lại quát tháo, đánh đập con cái thì bé sẽ bắt chước như vậy.
Nuông chiều trẻ quá mức
Nếu quan sát kỹ sẽ thấy trẻ chỉ bắt nạt người yêu thương và nuông chiều trẻ nhất nhà, thường là ông bà nội ngoại.
Lý do là vì ông bà quá yêu thương cháu nên không muốn cháu chịu bất cứ tổn thương nào. Cháu muốn gì, ông bà cũng đáp ứng. Mỗi khi trẻ bị ai bắt nạt, ông bà liền đứng ra bênh việc và làm lá chắn cho trẻ. Chính sự bao dung và tình yêu thương này của ông bà đã khiến trẻ được voi đòi tiên, sinh hư và trở nên ích kỷ.
Không nhất quán khi dạy con
Khi đặt ra những thỏa thuận với con, cả bạn và bé đều phải tuân thủ nguyên tắc. Không nên vì thấy con khóc lóc mà nhượng bộ không phạt. Khi bạn phá vỡ nguyên tắc, bé sẽ coi thường lời nói của bạn.
Ví dụ: bạn nói: “Con đã có quá nhiều đồ chơi rồi, mẹ không mua thêm gì nữa vào lúc này đâu!”, thế nhưng khi chứng kiến trẻ khóc thì bạn lại mủi lòng “Thôi được rồi, để mẹ mua!”
Cứ như vậy, trẻ sẽ hiểu được rằng cứ khóc lóc ăn vạ thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Trẻ thiếu kỹ năng xã hội
Nhiều bậc phụ huynh không cho con ra ngoài chơi với bạn bè, giao tiếp nhiều, để làm tăng kỹ năng xã hội, mà luôn bắt ép con ở nhà, học bài hoặc chơi với người trong nhà. Cách này không thể làm trẻ có nhiều bạn hơn, biết cách giao tiếp hơn, mà còn khiến bé sau này ra ngoài đời khó thích nghi với xã hội hơn.
Nhiều phụ huynh còn thấy khi trẻ thương lượng chơi chung với bạn bè không được, liền nhanh nhảu chạy lại thương lượng giúp: “Em đã chờ rất lâu rồi, các cháu có thể nhường cho em chơi được không?”. Cứ như vậy, bé sẽ mãi dựa dẫm vào ba mẹ và không thể tự giải quyết được vấn đề của mình.
Giải pháp cho trẻ hống hách ở nhà nhưng ra đường thì nhút nhát
Cha mẹ làm gương cho trẻ
Cha mẹ là những người thầy, cô đầu tiên trong đời trẻ và sự truyền dạy của cha mẹ sẽ theo bé đến hết cuộc đời. Chình vì lẽ đó, cha mẹ nên là những người làm gương tốt cho trẻ.
Khi ở nhà, cha mẹ nên đối xử hòa nhã, ân cần với nhau. Với người thân và họ hàng xung quanh, hãy luôn tỏ ra biết quan tâm và chia sẻ. Nếu có mâu thuẫn, hãy cùng nhau giải quyết thông qua giao tiếp ở nơi vắng người, tránh để trẻ nhìn thấy những những cử chỉ không đẹp và nghe thấy lời lẽ không lọt lỗ tai.
Trau dồi chỉ số xã hội cho con
Chỉ có thể tăng chỉ số xã hội bằng cách cho bé trải nghiệm thực tế. Hãy cho con mở rộng mối quan hệ và tự kết nối với mọi người xung quanh. Thông qua giao tiếp và tương tác với bạn bè, trẻ sẽ ngày càng tự tin khi nói chuyện, học tập hay làm việc chung với người khác.
Đồng thời, cha mẹ có thể hướng dẫn thêm cho con về cách giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ xã hội, rồi để bé tự làm. Bằng cách cho con nghe những video hội thoại, đọc những cuốn sách, truyện tranh liên quan đến giao tiếp.
Đặc biệt, tính cách của trẻ không hẳn là “Trời sinh” như ông bà ta thường nói, mà nó ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường sống và giáo dục trong gia đình. Vì thế, bạn cần hướng dẫn con trở thành một đứa trẻ có hiểu biết, dần dần trở thành một người lớn trưởng thành thực sự.
Thỏa thuận những quy tắc trong gia đình
Ngay khi bé phạm sai lầm lần đầu tiên, ba mẹ cần ngăn chặn ngay bằng logic đúng đắn. Ví dụ: Khi thấy trẻ hỗn hào với bà, mẹ cần ngăn chặn ngay bằng cách nói rằng “Con à! Sao con lại vô lễ với bà như vậy? Xin lỗi bà ngay, rồi ra đây hai mẹ con mình nói chuyện!”
Sau đó, mẹ hãy giải thích cho con hiểu: “Nếu một người khác cũng đối xử với con giống như cách con đối xử với bà khi nãy, con nghĩ sao?! Nếu con không muốn thì tại sao lại bắt bà nhận những hành động vô lễ đó của con, trong khi bà là người yêu thương và che chở cho con rất nhiều!”.
Khi đứa trẻ đã thấu hiểu những lời bạn nói, bạn hãy thỏa thuận với bé rằng, từ nay con không được hành động vô lễ với những người yêu thương con nữa nhé! Nếu mẹ còn thấy hành vi này tái diễn, mẹ sẽ phạt con đứng yên trong 15 phút để tự ngẫm lại hành vi của mình đấy.
Như vậy, bài viết vừa mang đến cho bạn một kiến thức rất nhỏ trong việc nuôi dạy bé thành người trưởng thành. Hy vọng những lập luận trong bài mang đến lợi ích cho cuộc sống của bạn. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào cần chúng tôi giải đáp xin vui lòng liên hệ ngay cho Worldkids để được tư vấn thêm nhé!