9 KỸ NĂNG TỰ LẬP MÀ TRẺ CẦN THUỘC LÒNG NGAY TỪ KHI CÒN NHỎ, Hầu hết cha mẹ đều mong muốn con biết cách sống tự lập khi trưởng thành. Tuy nhiên, để bé làm được điều này cần phải có một quá trình nuôi dạy rất kỳ công, bắt đầu ngay từ khi bé còn nhỏ. Do đó, bài viết dưới đây sẽ mách cho các bạn biết 9 kỹ năng sống quan trọng mà bạn cần bồi dưỡng cho bé càng sớm càng tốt.

Kỹ năng 1 – Tự vệ sinh cá nhân

Bé càng nhỏ thì khả năng bắt chước người lớn càng cao. Do đó, mẹ có thể dạy con biết cách vệ sinh cá nhân bằng cách làm cùng con.

Bé dưới 3 tuổi, mẹ có thể vừa làm cùng, vừa dạy cho con cách đánh răng, cách mặc quần áo… Nhưng khi còn lớn hơn 3 tuổi, mẹ chỉ nên giúp đỡ chứ không làm thay con, bởi giai đoạn này là bé đã có khả năng tự vệ sinh cá nhân được rồi!

Kỹ năng 2 – Tự chăm sóc bản thân

Nhiều bậc phụ huynh hay có thói quen chăm sóc, phục vụ cho con mà quên mất đi việc bé cũng cần phải biết cách tự chăm sóc chính mình. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho việc khi không có người lớn bên cạnh hoặc gặp phải những sự cố không mong muốn, bé cũng biết cách tự xoay sở để chăm sóc cho cơ thể của mình. 

Khi bé được 4, 5 tuổi, bạn hãy dạy trẻ học thuộc một số thông tin như: số điện thoại, địa chỉ nhà, tên ba mẹ… và một số cách để sơ cứu bản thân như: cách cầm máu, cách điều tiết hơi thở, cách chống đuối nước, cách xử lý khi bị phỏng….

Những bài học nhỏ này sẽ giúp bé tự tin khi làm bất cứ việc gì mà không có cha mẹ ở bên cạnh để đỡ đần. Đồng thời còn giúp trẻ nhận thức rõ ràng về những gì nguy hiểm cho bản thân và tự biết cách bảo vệ mình từ sớm.

Ví dụ: bé sẽ đứng xa những nơi có điện cao áp, bé biết tắt bếp trước khi ra khỏi khu vực nấu ăn, bé biết tự sát khuẩn và băng bó vết thương khi lỡ bị dao cắt qua…

Kỹ năng 3 – Tự biết phòng vệ và sinh tồn

Không ai dám chắc trong xã hội văn minh này lại không hề xảy ra những chuyện trái quấy, những xui rủi, những nguy hiểm… Do đó, không chỉ người lớn chúng ta mà ngay cả các bé nhỏ cũng phải trang bị cho mình những kỹ năng phòng vệ và sinh tồn để ứng dụng ngay khi có sự cố xảy ra.

Dù bé nhà bạn còn quá nhỏ, yếu đuối và vụng về, nhưng với sự tinh anh và nhanh nhạy thì bạn vẫn có thể truyền đạt cho con về một số cách phòng vệ đơn giản như:

– Khi ở nhà một mình, con không được để người lạ tiếp cận mình

– Con không được xuống hồ bơi, sông, suối… khi không người lớn không cho phép

– Không được tự ý bỏ nhà đi chơi với bạn khi chưa xin phép bố mẹ

– Trang bị một số kỹ năng thoát hiểm và tránh những nơi có lửa, điện, nước…

Kỹ năng 4 – Tự biết điều chỉnh cảm xúc

Cha mẹ Nhật rất chú trọng đến việc dạy con cách điều chỉnh cảm xúc. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy người Nhật luôn giữ phong thái bình tĩnh trước mọi tình huống, kể cả đó là động đất, sóng thần…

Cha mẹ Nhật cũng rất quan trọng trong việc dạy con tôn trọng người khác. Vì họ cho rằng, một đứa trẻ có thể nghịch ngợm do bản tính năng động, hiếu kỳ…. nhưng nếu nó quậy phá, không ý thức thì là do người lớn không biết dạy.

Kỹ năng 5 –  Tự biết chia sẻ, giúp đỡ

Trong phong cách dạy con của người Nhật, tự lập không chỉ là biết tự giúp mình mà còn phải biết giúp người khác. Không được ích kỷ, tư hữu cá nhân mà phải biết yêu thương và san sẻ 

Hãy bắt đầu bằng việc dạy con biết cách chăm sóc cho người thân của mình như: ông bà, cha mẹ… biết chia sẻ đồ chơi, đồ ăn cho anh em, bạn bè của mình. Từ đó, bé sẽ học được cách trao đi yêu thương sẽ nhận lại được yêu thương. 

Kỹ năng 6 – Rèn kỹ năng xã hội và cách cư xử

Tùy vào từng người, độ tuổi, vai vế hay mức độ thân quen mà chúng ta có cách ứng xử khác nhau. Điều này 

Trẻ hơn 3 tuổi đã bắt đầu ý thức được nhiều điều, trong đó có việc phân biệt người lớn tuổi, người trong gia đình, người ngoài gia đình cũng như phân biệt được nhà mình và những nơi công cộng. Do vậy, từ việc dạy con cách điều chỉnh cảm xúc dần dần sẽ rèn con cách ứng xử với người lớn, cách tôn trọng, lễ phép với người lớn.

Kỹ năng 7 – Tự biết xác định phương hướng

Kỹ năng xác định phương hướng là một trong những kỹ năng sinh tồn mà bé cần thuần thục, để tự giải thoát cho chính mình trong những tình huống nguy cấp

Hãy bắt đầu bằng việc dạy trẻ phân biệt 4 hướng: Đông, tây, nam, bắc. Kế tiếp, dạy con biết đâu là hướng mặt trời mọc và mặt trời lặn. Cho bé thực hành xác định phương hướng trên chính căn nhà của mình cho dễ. 

Kỹ năng 8 – Tự biết làm việc nhà

Tự dọn dẹp khu vực mình sinh sống là bài học tối quan trọng trong việc hình thành bản năng tự lập, tự tổ chức cuộc sống dành cho bé. 

Do đó, hãy dạy trẻ biết làm các công việc nhà cơ bản, phù hợp với từng độ tuổi của trẻ như: quét nhà, lau nhà, rửa chén, gấp quần áo, rửa rau, đi chợ… 

Kỹ năng 9 – Tự biết cách quản lý thời gian

Mỗi ngày chỉ 24h, nên chúng ta ai cũng phải biết cách sử dụng thời gian hợp lý để cân bằng cuộc sống của mình. Và điều này cũng cần phải được truyền đạt một cách bài bản cho các bé nhỏ tuổi.

Hãy dạy cho con biết cách sắp xếp thời gian biểu của bản thân và tự chủ động thực hiện, như: dậy sớm đúng giờ, tập thể dục và đến lớp đúng giờ, xem TV theo thời gian được quy định…

Cha mẹ nên để con tự giác, không cần nhắc nhở nhiều. Nếu con vi phạm hãy để con tự chịu trách nhiệm để nâng cao tính ý thức tự giác của mình, như: đi học trễ sẽ bị thầy cô khiển trách, không làm bài tập thì phải chép phạt…

Trẻ đến tuổi vị thành niên, mẹ hoàn toàn có thể an tâm giao cho con tự đi chợ, nấu ăn, quản lý tiền và chi tiêu hợp lý trong sự kiểm soát của cha mẹ. 

** Lưu ý **

Quan trọng hơn cả là cha mẹ cần tin tưởng và trao quyền tự quyết cho con. Không cần thiết phải lo lắng thái quá, chỉ cần ở bên cạnh động viên, khích lệ trẻ là đủ. Vì trẻ sẽ tiến bộ theo thời gian, ở mỗi độ tuổi nhất định, bé sẽ làm tốt rất nhiều việc mà bạn không ngờ tới. 

Như vậy, bài viết đã mách nhỏ cho các bậc cha mẹ biết về 8 kỹ năng tự lập mà bạn cần truyền dạy cho trẻ. Bài học này sẽ giúp bé trưởng thành từ rất sớm và rút ngắn khoảng cách thành công cho trẻ trong tương lai. Nếu bạn tin tưởng, sao không thực hành ngay?! Worldkids tin bạn và bé sẽ làm được!