Tránh xa 4 sai lầm tai hại khi nấu ăn cho bé mà mẹ cần nhớ, Có lẽ, không ít phụ huynh gặp phải trường hợp cho bé ăn rất nhiều đồ ngon nhưng bé vẫn thấp còi và suy dinh dưỡng. Có thể nguyên nhân không đến từ thức ăn mà do cách chế biến của mẹ không chuẩn, khiến chất dinh dưỡng bị hao hụt không ít. 

Những sai lầm trong việc chế biến món ăn

Hâm đi hâm lại

Có thể do quá bận rộn nên một số bà mẹ đã tiết kiệm thời gian để làm nóng thức ăn cho con bằng cách hâm đi hâm lại nhiều lần. Tuy nhiên, bạn không hề biết rằng hành động này sẽ khiến cho vitamin trong rau củ bị tan biến hết và có mùi vị rất khó ăn, khiến trẻ bị ngán khi ăn 3 bữa mà chỉ có một vị duy nhất. 

Cách giải quyết tốt nhất đó là, bé ăn bao nhiêu thì múc đúng bấy nhiêu ra nồi rồi hâm nóng phần đó, cất phần dư thừa vào tủ lạnh để mai sử dụng. Phần rau củ nên băm nhỏ và chỉ hâm nóng đúng một lần. Thịt thì băm nhuyễn, cá sống thì đánh tan phần đạm trong nước lọc trước khi bỏ vào nồi nấu chín để thịt không bị vón cục lại. 

Nêm thức ăn nhạt hơn so với lưỡi của mình

Các bé có cảm giác vị giác nhạy hơn so với người lớn nên bạn cần nêm nếm thức ăn nhạt hơn so với vị giác của mình. Vì nếu bạn nêm vừa vị giác của mình thì có nghĩa là quá mặn so với trẻ. 

Không lạm dụng máy xay sinh tố

Nhiều mẹ vì sợ con không nhai được hay thức ăn còn lợn cợn sẽ làm con ói, nên sẵn sàng cho thức ăn vào máy sinh tố để nghiền nát mặc dù trẻ đã mọc đầy đủ 2 hàm. Điều này sẽ khiến cho bé có tâm lý ỷ lại và không muốn “vượt qua chính mình” để nghiền nát thức ăn một cách độc lập.

Do đó, để tránh điều này xảy ra, bạn cần tập cho bé ăn thức ăn phù hợp trong từng thời điểm cụ thể:

  • Khi 6 tháng tuổi thì ăn bột loãng rồi sệt dần dần. 
  • Khi 7 – 8 tháng tuổi thì ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc
  • 12 tháng tuổi thì tập quen dần với cháo nấu, phở, bún, mì mềm
  • 2 tuổi thì ăn cơm

Bạn lưu ý, mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn sẽ kèm theo những cơn nhợn ói. Nhưng không sao, mẹ cứ tập cho bé thích nghi dần dần, máy xay sinh tố càng lúc xay càng ít lại, để đồ ăn càng lúc càng thô hơn, giúp bé nâng cao kỹ thuật nhai của mình. 

Lúc đầu, bé có thể ăn cháo nấu đánh rây innox lỗ to, nhưng sau đó chuyển dần về cháo hột, cháo đặc, cháo chan canh, cơm hột… Lúc này, trẻ có thể ăn thêm những loại bánh mềm, để bổ sung dưỡng chất cho bữa ăn của mình. 

Không lạm dụng chất bổ trong nước hầm xương

Không ít bà mẹ bỏ công sức hầm xương nấu cháo cho con mỗi ngày nhưng không thấy con mập lên, trong khi mẹ thì lên cân chỉ vì phải gặm xương hầm suốt. 

Tuy nhiên, các mẹ cần hiểu rằng dẫu món cháo hay canh hầm xương có bổ, có ngon tới đâu nhưng nếu ăn hoài thì rất ngán. Vì vậy, mẹ cần cho con ăn uống đa dạng với các nhóm thực phẩm bổ dưỡng sẽ tốt hơn rất nhiều. Bé vừa có cơ hội hấp thu được các chất dinh dưỡng mà không lo sợ ngán. 

Riêng về phần nước hầm xương không hẳn là nhiều dưỡng chất như các mẹ vẫn tưởng. Bởi dù có hầm bao lâu thì những chất dinh dưỡng quý giá vẫn đọng lại trong cái (phần xương, thịt, rau củ) chứ không tan ra trong nước. Vì thế mới có câu “Khôn ăn cái, dại ăn nước” là vậy! Nên mẹ hãy cho bé ăn cả cái lẫn nước để bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ nhé!