ĐIỂM DANH NHỮNG NỖI SỢ HÃI RẤT THƯỜNG TÌNH CỦA TRẺ, Trẻ con quá ngây thơ và không có kinh nghiệm trải đời, nên có rất nhiều nỗi sợ. Chúng ta hãy cùng khám phá những nỗi sợ hết sức đáng yêu này của bé để có phương hướng ứng phó nhé!
Sợ bóng tối
Hầu hết trẻ em đều sợ bóng tối, trẻ tự tưởng tượng ra đủ thứ kỳ quái tồn tại trong bóng tối ấy như: ma quỷ, quái vật, hố đen…
Sau đó, trẻ sẽ thấy bản thân mình thật nhỏ bé và không ai bảo vệ mình cả khi đứng giữa bóng tối ấy.

Vì thế, để giúp trẻ đối mặt với bóng tối, hãy hướng dẫn con bật đèn sáng trước khi bước vào nhà. Phòng ngủ tối có thể lắp đèn ngủ. Đi cầu thang tối có thể soi đèn pin. Trẻ thực hiện rồi giảm dần cường độ ánh sáng lại sẽ hết sợ bóng tối ngay thôi!
Sợ quái vật
Trẻ em luôn có trí tưởng tượng siêu phàm, nên rất khó để bác bỏ sự có mặt của quái vật trong tâm trí trẻ. Đã thế, những bộ phim hoạt hình mà bé hay xem lại luôn có sự xuất hiện của “nhân vật” này, càng làm cho bé tin quái vật sẽ xuất hiện đâu đó trong bóng tối, dưới gầm giường hay trong tủ quần áo…

Bố mẹ phải thực sự nghiêm túc khi thực hiện những hành động sau đây nhằm giúp trẻ vượt qua nỗi sợ quái vật như:
– Trước khi đi ngủ, cho bé kiểm tra dưới gầm giường, trong tủ quần áo hay trong mọi ngóc ngách của căn nhà để bé thấy chẳng có quái vật nào ở đó cả!
– Có thể dùng một bình xịt nước và nói với bé rằng, chỉ cần xịt nước vào bất cứ chỗ nào con nghi ngờ, quái vật sẽ tự động biến mất và con sẽ không còn sợ nữa (Một cách đánh lừa quá ư là dễ thương luôn! ^^)
Sợ thời tiết
Bé sợ tiếng sấm sét, tiếng mưa to gió lớn và bé cần có bố mẹ ở cạnh ngay lúc đó.

Bạn có thể ôm lấy bé để bé an tâm hơn. Nhưng trên hết, bạn cần giải thích cho bé hiểu về những hiện tượng thời tiết ấy, để trẻ tận hưởng những khoảnh khắc đáng giá như: tắm dưới mưa, nghịch nước mưa… Để giúp trẻ thân thiện với thời tiết hơn.
Sợ ác mộng
Bé sợ ngủ một mình vì sợ sẽ gặp ác mộng.
Trẻ không thể diễn tả cơn ác mộng đó bằng lời nói nhưng vẫn thể hiện được bằng tâm trạng như: căng thẳng, la hét, khóc thét…

Do đó, bạn hãy giúp trẻ giải quyết vấn đề này bằng cách cho bé ôm gấu bông ngủ, hoặc ngồi bên cạnh bé vỗ về cho đến khi nào bé an tâm hơn. Đừng quên nói cho bé biết bé đã được an toàn và mẹ luôn bên cạnh con.
Sợ người lạ
Bé sợ người lạ vì bé không biết họ là ai và họ muốn gì ở bé. Vì thế, bé có xu hướng trốn sau lưng mẹ hoặc bám chắc lấy mẹ mỗi khi thấy người lạ.

Nỗi sợ này trong đa số trường hợp đều rất tốt, vì như vậy bé sẽ có cảnh giác với người xấu, không để người xấu bắt đi.
Nhưng mặt khác, đôi khi bé có thể sợ cả với những người họ hàng hay thân thích của mình. Trong trường hợp này, bạn hãy thử tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé sợ. Nếu nguyên nhân không có gì to tát, bạn hãy giúp bé và người đó nối kết với nhau hơn, bằng cách mách cho người đó một số trò chơi hay game mà bé yêu thích, để họ có thể tiếp cận bé dễ dàng hơn.
Sợ bị tách khỏi bố mẹ
Nỗi sợ bị bỏ rơi có lẽ luôn thường trực trong tâm trí của nhiều trẻ em. Do vậy, bạn cần biết cách làm cho bé ở một mình nhưng vẫn cảm thấy an toàn.
Ví dụ: Bạn cần đi chợ một lát, hãy để con bị cuốn vào một trò chơi game nào đó, kèm theo câu: “Con chơi một chút đi, giờ mẹ đi chợ mua đồ ăn rồi về với con!”
Tuyệt đối không nên trốn bé mà không chào bé, lời chào sẽ giúp trẻ an tâm hơn và tin tưởng rằng mẹ sẽ về lại bên cạnh mình.
Sợ bác sĩ
Nhắc đến bác sĩ, hầu như bé nào cũng nghĩ đến: kim tiêm, máu me, đau đớn…
Vì thế, trước khi đi bác sĩ, mẹ cần nói trước với con để con chuẩn bị tinh thần. Đừng quên nhắc đến một phần thưởng nho nhỏ nào đó nếu bé ngoan ngoãn để bác sĩ khám bệnh cho mình mà không la lối, khóc nhè.

Trong khi cho bác sĩ khám cho bé, mẹ có thể làm con quên đau đớn đi bằng cách kể chuyện hay hát cho con nghe.
Bài viết đã chỉ ra một vài nỗi sợ thông thường của các bé nhỏ, hy vọng sẽ giúp quý phụ huynh có thêm kinh nghiệm để xử trí những trường hợp này. Nếu có gì khúc mắc xin quý vị liên hệ ngay cho Worldkids theo số hotline để được tư vấn thêm!