Con phải “biết chia sẻ”, Ba mẹ có từng thắc mắc tại sao có những đứa trẻ lớn lên thì mạnh mẽ, tự tin; nhưng lại cũng có những đứa nhút nhát, tự ti và không dám lên tiếng tự bảo vệ mình? Nhiều người vẫn nghĩ đây là do tính cách bên trong của mỗi người. Tuy nhiên, nó còn xuất phát từ một điểm mà ít ai nghĩ tới: đó là từ nhỏ những đứa trẻ đó đã bị ba mẹ bắt ép “chia sẻ” mọi thứ với người khác dù chúng thật sự không hề muốn!
Chắc hẳn từ khi còn nhỏ và thậm chí đến lúc lớn, ai trong chúng ta cũng đã phải nghe người lớn nói: “con nhường cái xe/cái máy/món đồ chơi đó cho em đi”, “hỏng rồi thì thôi”, “em còn nhỏ mà nó có biết gì đâu”,… khi nhà có họ hàng đến chơi. Theo như lời ba mẹ, khách tới nhà mình chơi thì mình phải đối xử tốt với họ, nếu không họ sẽ nghĩ xấu về gia đình mình; chính vì thế mà trẻ con “phải chia sẻ” món đồ yêu thích của chúng cho người khác mặc dù chúng không hề muốn tí nào!

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Con có cần “phải chia sẻ”?
Các con bây giờ cũng như vậy! Ba mẹ biết không, bản chất của những đứa trẻ đó là ích kỷ! Hành vi hào phóng sẽ tự phát triển cùng trẻ theo thời gian và tuổi tác. Vậy nên khi càng lớn dần, trẻ sẽ học được cách chia sẻ – nhưng là tự học được chứ không phải bị ép! Giao cho người khác “món tài sản” của mình, các bé sẽ cảm thấy rất khó chịu và hoàn toàn không vui tí nào. Tuy nhiên nếu không giao thì ba mẹ lại ngồi cạnh nhắc nhở thậm chí là cứng rắn yêu cầu con phải làm. Từ đó hình thành trong trẻ 2 luồng tâm lý đối nghịch nhau, và nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này.
Con sẽ dần mất đi sự quyết đoán, trở nên “dễ chịu” một cách lạ kỳ; “dễ chịu” vì luôn để ý đến “thể diện” của ba mẹ và “thái độ” của người khác nên vô thức làm theo ý họ nói dù điều đó vượt qua khả năng chịu đựng của bản thân. Để từ đó con luôn sống trong cảm giác bị bắt nạt, rụt rè và bất lực với bản thân.
Hãy để con học cách “tự vệ”
Nếu ngày xưa người làm ba, làm mẹ như chúng ta đã từng trải qua cảm giác “phải nhường nhịn” thì hẳn chúng ta sẽ hiểu rõ nó khó chịu như thế nào. Hoặc thậm chí dù chúng ta chưa từng có ký ức gì về cảm giác đấy, thì cũng mong thông qua bài viết này quý phụ huynh có thể đặt mình vào con cái và suy nghĩ cho trẻ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Có một câu nói rằng: “Lúc bạn yếu đuối nhất thì kẻ xấu sẽ xuất hiện nhiều nhất. Nếu không biết bảo vệ quyền lợi của bản thân, hậu quả bạn sẽ tự phải gánh chịu”. Ở các trường tiểu học tại Anh Quốc, “quyết đoán” là từ rất hay được nhắc đến và cũng là bài học quan trọng mà các thầy cô đem đến cho học sinh. Quyết đoán có thể hiểu là thẳng thắn, kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ khi trẻ con dám bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến một cách thẳng thắn thì chúng mới có thể hình thành mối quan hệ thoải mái với người khác. Tương tự, khi trẻ biết rõ ràng về ranh giới quyền lợi của mình, chúng mới có thể giải tỏa áp lực bản thân và có niềm tin vào chính mình. Đây là cách “tự vệ” trẻ có thể học để yêu thương bản thân hơn bất cứ điều gì.
Ba mẹ hãy bảo vệ con khỏi việc “bị cướp”
Một người mẹ ở Anh đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình trên một diễn đàn dành cho cha mẹ. Khi cô bước vào công viên cùng với con trai tên Carson, có 6 đứa trẻ đi về phía cậu bé và yêu cầu chia sẻ đồ chơi lego. Nhưng Carson không muốn điều đó. Nhìn đám trẻ đông đảo và to cao hơn mình, cậu bé sợ hãi, ôm chặt món đồ chơi trước ngực và nhìn mẹ một cách đáng thương. Nhìn thấy tình huống, người mẹ đã không thuyết phục con trai “học cách chia sẻ” mà kiên quyết nói: “Con có thể nói không với các bạn. Chỉ cần từ chối và không có gì khác”. Khi 6 đứa trẻ nghe thấy lời từ chối của Carson, chúng buộc tội cậu là keo kiệt. Lúc này mẹ cậu đáp trả: “Con trai cô không cần phải chia sẻ đồ chơi cho người khác. Nếu Carson muốn cho các cháu mượn thì các cháu mới được lấy”. Cậu bé nhìn mẹ đầy biết ơn và tự tin bước về phía trước.
Ba mẹ vẫn thường hay vì sĩ diện của bản thân mà hy sinh cảm xúc của con, điều này là hoàn toàn sai lầm! Chính con sẽ cảm thấy lạc lõng và không an toàn trong ngôi nhà của mình, vì con không nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào của ba mẹ. Cho phép con “ích kỷ” và bảo vệ con trước lời dị nghị của người khác chính là đang tiếp thêm cho con nguồn sức mạnh to lớn, để con có chỗ dựa vững chắc là gia đình và chính mình.
Chuyên gia giáo dục trẻ em Janet Lansbury đã từng nói: “Dạy trẻ em bảo vệ quyền của mình là món quà tốt nhất mà bố mẹ có thể dành cho chúng khi lớn lên”. Bắt con “phải chia sẻ” là một sai lầm của ba mẹ. Hẳn là quý phụ huynh không muốn mình phạm phải sai lầm trong quá trình giáo dục và nuôi dưỡng con cái đâu nhỉ?